Sản xuất nông nghiệp

Bệnh dịch tả vịt và biện pháp phòng chống

Đăng ngày: 26/07/2019

1. Loài vật mắc bệnh

    Trong tự nhiên vịt là loài mẫn cảm nhất, tất cả các giống vịt ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh. Ngoài ra các loài thủy cầm khác như vịt trời, ngan, ngỗng, thiên nga cũng nhiễm bệnh. Tuy nhiên vịt trời, ngỗng trời có sức đề kháng cao nên không bị chết vì vậy nó là nguồn dịch lưu cữu làm lây lan dịch bệnh khắp nơi cho vịt, ngan, ngỗng nuôi.

    2. Phương thức truyền lây

    Bệnh dịch tả vịt có thể lây trực tiếp do tiếp xúc giữa vịt khỏe và vịt ốm hoặc vịt mang trùng.

    Lây gián tiếp qua đường tiêu hóa (thức ăn, nước uống), hoặc qua đường hô hấp. Nếu cho vịt khỏe tiếp xúc với nước ao tù, hoặc nơi chăn thả vịt bệnh chúng sẽ bị lây bệnh. Trên cùng một thửa ruộng chăn thả nhiều đàn vịt, nếu một đàn vịt bệnh chúng sẽ lần lượt lây cho các đàn khác.

    3. Triệu chứng

    - Thời gian nung bệnh thường từ 3 - 7 ngày. Đôi khi ở đầu ổ dịch có một số con chết đột ngột khi chưa có biểu hiện triệu chứng.

    - Vịt bệnh thường ủ rũ, bỏ ăn, đứng một chân, đầu rúc vào cánh đi lại chậm chạp, không muốn xuống nước, khi lùa đi ăn thường rớt lại sau đàn. Trong đàn vịt, nhiều con có tiếng kêu khản đặc. Bắt xem thấy chân liệt, sốt cao 43o - 44oC. Ở đàn vịt đẻ khi bệnh xuất hiện sản lượng trứng giảm xuống, có khi ngừng đẻ hẳn.

    - Vịt thường sưng mi mắt, niêm mạc mắt đỏ, mắt kéo màng. Lúc đầu chảy nhiều nước mắt trong làm ướt cả vùng lông dưới mi mắt. Sau nước mắt đặc lại có màu vàng như mủ đóng đầy khóe mắt và có khi làm hai mi mắt dính lại với nhau.

    - Vịt bệnh có khi khó thở, tiếng thở khò khè. Từ mũi chảy ra chất niêm dịch, lúc đầu trong, sau đặc lại. Nước mũi khô, quánh lại quanh khóe mũi.

    - Nhiều con đầu sưng to, hầu, cổ cũng có thể bị sưng do tổ chức liên kết dưới da bị phù thũng.

    - Lúc mới bị bệnh vịt khát nên uống nhiều nước. Sau một vài ngày vịt ỉa chảy, phân rất loãng, có mùi khắm và có màu trắng xanh. Hậu môn bẩn, lông dính bết đầy phân.

    - Vịt sợ ánh sáng, một số con có biểu hiện thần kinh, nghẹo đầu hoặc tỳ mỏ xuống đất, con đực dương vật thò ra ngoài và niêm mạc có những nốt loét.

    - Vịt đẻ sản lượng trứng giảm từ 30-60%.

    - Sau khi xuất hiện triệu chứng được 5 - 6 ngày, con bệnh gầy rạc, liệt chân, liệt cánh, nằm một chỗ, thân nhiệt giảm dần, con vật chết. Ở nơi lần đầu tiên xuất hiện bệnh nếu không can thiệp kịp thời tỷ lệ chết có thể đến 80 - 100%. Trái lại ở những vùng thường xuyên có bệnh, dịch phát ra yếu, tỷ lệ chết không cao, nhưng bệnh hay kéo dài.

    4. Bệnh tích

    - Xác chết gầy, nhổ sạch lông thấy đầu, cổ sưng tụ máu, tím bầm. Tổ chức liên kết dưới da thấm nước và keo nhầy. Da vùng cổ, ngực, bụng, đùi xuất huyết lấm tấm thành những điểm bằng đầu tăm trông như bị muỗi đốt.

    - Khí, phế quản viêm, xuất huyết, tụ máu.

    - Niêm mạc hầu họng, thực quản viêm xuất huyết, đôi khi có vết loét phủ màng giả màu vàng xám.

    - Viêm, xuất huyết ngoại tâm mạc, xoang bao tim tích nước.

    - Phổi viêm, tụ máu.

    - Niêm mạc dạ dày tuyến xuất huyết, phủ lớp dịch nhớt màu vàng xám; dạ dày cơ xuất huyết.

    - Niêm mạc ruột viêm, tụ máu, xuất huyết, có những vết loét hình cúc áo, trên có phủ bựa màu trắng xám. Niêm mạc hậu môn và trực tràng thường xuyên xuất huyết thành những vệt máu đỏ xen kẽ những vết loét màu vàng nâu.

    - Gan có màu nâu nhạt, sưng tụ máu, xuất huyết, có những chấm hoại tử to bằng đầu đinh ghim.

    - Túi mật sưng.

    - Lách tụ máu hoặc xuất huyết.

    - Buồng trứng: có khi xuất huyết, có nhiều trứng non dị hình hoặc vỡ chứa đầy trong xoang bụng.

    5. Phòng bệnh

    - Về chuồng trại: phải khô ráo, thoáng mát, ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Diện tích chuồng nuôi phải phù hợp với quy mô chăn nuôi. Phải có hố thuốc sát trùng trước cửa chuồng nuôi. Phải có chuồng nuôi cách ly đàn vịt mới mua về hoặc đàn vịt ốm.

    - Về con giống: phải nhập con giống khoẻ mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, từ những trang trại an toàn dịch, có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y cấp. Vịt mới mua về phải nuôi cách ly 15 ngày để theo dõi.

    - Về chăm sóc nuôi dưỡng: Phải cho vịt ăn, uống đầy đủ đảm bảo chất lượng. Thường xuyên bổ sung vitamin, men tiêu hoá, khoáng chất, điện giải để tăng sức đề kháng cho đàn vịt.

    - Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng: Thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi. Sau mỗi vụ nuôi phải tiến hành tổng vệ sinh chuồng trại, thu gom phân rác để xử lý, cọ rửa chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi bằng xà phòng, sau đó tiến hành phun thuốc sát trùng toàn bộ chuồng nuôi, ngâm dụng cụ chăn nuôi trong thuốc sát trùng. Để trống chuồng 10 - 15 ngày trước khi nhập nuôi lứa mới.

    - Tiêm phòng vắc xin dịch tả vịt:

    Vắc xin được pha loãng với nước sinh lý vô trùng đã được làm mát sao cho 0,5 ml dung dịch tiêm chứa 1 liều vắcxin, tiêm dưới da hoặc tiêm bắp thịt ức.

    + Tiêm lần 1: đối với vịt con được sinh ra từ đàn bố mẹ đã được tiêm phòng vắc xin dịch tả vịt thì tiêm lần 1 lúc vịt được 2 tuần tuổi; đối với vịt con được sinh ra từ đàn bố mẹ chưa được tiêm phòng vắc xin dịch tả vịt thì tiêm lần 1 lúc vịt được 1 tuần tuổi.

    + Tiêm lần 2: thực hiện sau khi tiêm lần 1 được 2 - 3 tuần.

    + Tiêm lần 3: với vịt giống, vịt đẻ tiêm vào lúc vịt được 5 tháng tuổi (trước khi đẻ bói) sau đó tiêm nhắc lại trước mỗi vụ đẻ kế tiếp. 

    6. Trị bệnh

    Bệnh dịch tả vịt là bệnh do vi rút, nên không có thuốc điều trị đặc hiệu.

    Khi đàn vịt bị bệnh phải thực hiện nuôi nhốt; thu gom những con ốm, chết để tiêu hủy; vệ sinh chuồng trại, thu gom phân rác để ủ hoặc chôn; phun thuốc sát trùng chuồng trại, tẩy uế, sát trùng toàn bộ dụng cụ chăn nuôi.

    * Tiêm bắp thịt hoặc dưới da kháng thể Hanvet KTV với liều như sau:

    - Vịt dưới 2 tuần tuổi: tiêm 1 ml/con, sau 3 ngày tiêm lại 1 ml/con.

    - Vịt trên 2 tuần tuổi: tiêm 1,5-2 ml/con, sau 3 ngày tiêm lại 1,5-2 ml/con.

    - Có thể cho uống liều gấp đôi liều tiêm.

    Sau khi sử dụng kháng thể 7-10 ngày, dùng vắc xin dịch tả vịt tiêm phòng cho toàn đàn.

    * Nếu không có kháng thể có thể dùng vắc xin dịch tả vịt tiêm thẳng vào ổ dịch với liều gấp 2 lần bình thường. Sau 7 - 8 ngày những con mang mầm bệnh sẽ chết, những con chưa nhiễm bệnh sẽ có miễn dịch chống lại bệnh. Những vịt qua khỏi chỉ nuôi thịt, không dùng làm giống.

    Bổ sung đường Gluco, chất điện giải, giải độc gan, thận (dùng Bbomplex-C với liều 2g/1 lít nước; dùng Sorbitol với liều 2g/1 lít nước uống; dùng men saccharo với liều 1kg/50-75kg thức ăn)

    Phòng bệnh tiêu chảy: Dùng Ampicoli oral hoặc Apimix với liều 1g/5kgP. Hoặc dùng COLI-200 với liều 1 g/lít nước (100 g/500 kg thể trọng/ngày), dùng liên tục 3 – 5 ngày.

    Phòng bệnh hô hấp: Dùng Doxysin với liều 1g/5kgP hoặc Tetratylo với liều 1g/3-5kgP.
                                                              Chi cục Thú y Nam Định

Bình luận